Độc đáo chợ phiên, phở xào Đồng Văn trong văn hóa vùng Đông bắc

4.5/5 - (2 bình chọn)

Khu du lịch Bình Liêu – tỉnh Quảng Ninh được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh từ năm 2020, trong khu du lịch có 2 điểm du lịch là các chợ Đồng Văn và chợ Trung tâm huyện Bình Liêu, ở 2 chợ này đều có những đặc điểm riêng biệt với chợ phiên vào các thời điểm khác nhau trong tuần và trong năm. Đặc biệt, du khách biết đến chợ Đồng Văn qua ngày kiêng gió và các ngày chợ phiên hàng tuần và món phở xào độc đáo, riêng có tại nơi đây.

Chợ Đồng Văn ở đâu

Chợ Đồng Văn là chợ quy mô cấp xã, ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 20km về phía Đông bắc,cách thành phố Móng Cái hơn 70km về phía tây. Chợ ngay sát đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc, là nơi trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống, nếp sinh hoạt của người Dao Thanh Phán nơi đây. Và cứ thế, bao đời nay, chợ phiên đã trở thành “điểm hẹn” văn hóa rộn ràng và ngập tràn màu sắc của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Có gì ở chợ Đồng Văn

Chợ Đồng Văn cũng như các chợ khác ở các vùng núi phía bắc Việt Nam, có các khu bày bán trang phục, thức ăn- đồ uống, phục vụ ẩm thực tại chỗ và nông lâm sản địa phương. Phiên chợ Đồng Văn diễn ra vào thứ 7 hàng tuần là nơi giao lưu, gặp gỡ của Nhân dân trong vùng và người Trung Quốc từ bên kia biên giới sang.
Phiên chợ vùng cao Đồng Văn thường tấp nập cảnh bà con các dân tộc Dao, Sán chỉ mang hàng, nông, thổ sản xuống chợ. Đến chợ phiên từ sớm những ngày này dễ thấy khung cảnh nhộn nhịp, tươi vui, đầy màu sắc các dân tộc Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày… Để chuẩn bị cho chợ phiên, bà con các dân tộc từ các bản, các nẻo đường xa thường về chợ khá sớm. Các cô gái Dao, Tày trong trang phục sặc sỡ xuống chợ như trảy hội. Người lớn dắt theo con trẻ, trên lưng mẹ em bé vẫn ngủ ngon lành trong tiếng huyên náo của phiên chợ… có lẽ là những “đặc sản” riêng có, những khoảnh khắc thú vị mà du khách có thể ghi lại được.
Chợ phiên ở vùng cao, việc mua bán diễn ra rất đơn giản. Người bán mang hàng tới chợ đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt, hoặc một khoảnh đất trước chợ, việc mua bán diễn ra nhanh chóng, dễ dàng nếu người mua ưng. Người bán chỉ bày hàng, nói giá và bán với giá thật, gần như không nói giá cao hơn, không trả giá.
Đến chợ phiên, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được duy trì. Chợ phiên thường đông người và náo nhiệt vào buổi sáng, song chợ vẫn bày bán chủ yếu các mặt hàng truyền thống, do người dân địa phương sản xuất như: Miến dong, thổ cẩm, các loại bánh truyền thống… Đặc biệt, không thể thiếu các loại nông, lâm sản do chính bà con trồng cấy, khai thác từ rừng mang xuống chợ.
Với chợ phiên Đồng Văn, điểm đặc trưng ở đây là bà con dân tộc Dao và các dân tộc khác trên địa bàn vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Họ thường xuống chợ phiên với các loại trang phục truyền thống, duy trì được các sinh hoạt văn hóa trong chợ phiên, đến chợ phiên du khách dễ dàng bắt gặp không gian đầy màu sắc, sặc sỡ của trang phục bà con các dân tộc. Các cô gái Dao túm tán chuyện hoặc mua thổ cẩm, quần áo, thú vị hơn chợ phiên là không gian bà con các dân tộc tụ tập gặp gỡ, giao lưu cùng nhau ăn uống, hát các làn điệu dân ca địa phương.

Ngày Kiêng gió

Các phiên chợ Đồng Văn đông đúc theo phong tục địa phương, trong đó có chợ phiên các ngày 7/7 âm lịch, ngày 9/9 âm lịch, ngày đông chí … nhưng phiên chợ đông nhất phải nói đến là phiên chợ ngày Kiêng gió.
Vào ngày kiêng gió, người Dao ở Bình Liêu vui chơi, hò hẹn, cùng say trong men rượu, men tình. Ngày Kiêng gió diễn ra vào mồng 4/4 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, không một hành viên nào ở nhà vì người dân quan niệm nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không vào. Họ rời nhà từ sớm, để khi thần gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc. Từ sáng sớm, con đường xuống chợ đã đông nghẹt người, màu áo đỏ rực của chị em người Dao nổi bật giữa sắc áo lam, áo đen của người Sán Dìu, người Tày… Nhà nhà, người người khắp mọi thôn, bản, xã vùng cao về đây tụ họp. Ngày hôm nay, người ta đến chợ mua sắm, bán những sản vật địa phương, hàng bán dao, bán giày, hàng vải, chỉ thêu…
Những năm gần đây, hội Kiêng gió được mở rộng nên sôi động và nhộn nhịp hơn trước. Không chỉ có người Dao ở Đồng Văn, người Dao từ các huyện lân cận Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà cũng đổ về đây, rồi người Kinh, người Sán Chỉ, người Tày cũng tìm đến. Ngày hội Kiêng gió với người Dao không chỉ để mua sắm mà còn là dịp tự do gặp mặt, hò hẹn. Chẳng kể trai hay gái, già hay trẻ, tất cả mọi người đều coi đây là ngày để tìm đến người thân, bạn bè, cùng tâm sự chuyện quá khứ, nói những chuyện tương lai. Bất kể ai cũng được uống rượu, uống bia, hát câu Pả Dung, Sán Cố mà giao duyên.
Cũng trong Ngày hội, bà con nơi đây được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ, tái hiện lễ cấp sắc, đám cưới của người Dao, trình diễn trang phục mang bản sắc riêng của nhiều dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, bắt vịt, bóng bàn…); thi ẩm thực; thêu dệt trang phục truyền thống…

Phở xào Đồng Văn

Có lẽ, hiếm có món phở xào nào ăn lại ngon đến vậy. Độc đáo hơn là phong cách phục vụ “có một không hai”. Đây chính là cảm nhận của nhiều người khi thưởng thức món phở xào ở chợ Đồng Văn, huyện Bình Liêu, vào dịp chợ phiên cuối tuần.
Đến chợ Đồng Văn, du khách sẽ bước vào khu hàng quán bán đồ ăn dành cho người đi chợ phiên nằm san sát nhau. Các mái lá ám khói, thơm mùi thức ăn tỏa ra nhẹ nhàng, bàn ghế tươm tất, gọn gàng. Ở đây phở sẽ được xào bằng nguyên liệu mà khách hàng phải tự tay đi chợ chọn mua về. Còn bánh phở được chủ quán tự tráng. Người Đồng Văn xào phở rất ngon, nguyên liệu xào cùng có thể là thịt, rau hoặc giá đỗ, tùy khẩu vị. Vì thế thực khách phải tự đi mua cho hợp. Cũng dễ mua thôi vì phần nhiều thịt bán ở chợ này đều do người dân bản thả nuôi, giá đỗ người dân tự ngâm…
Phở xào Đồng Văn có mùi vị khác với món phở xào nơi khác vì nguyên liệu làm bánh phở là loại gạo Bao thai ngon nhất, thơm, dẻo, trồng trên những thửa ruộng bậc thang. Bánh phở được làm hoàn toàn thủ công bằng bàn tay khéo léo của người dân bản địa, ngâm gạo mềm rồi xay thành bột nước, sau đó mang chưng chín ở trên bếp củi. Bánh phở dày, to, tráng thành những bản dài, trắng ngà được gập thành miếng lớn, đặt gọn trên chiếc nong to… Thực khách gọi, chủ quán mới bỏ lên thớt thái to bản, còn nguyên mùi gạo ngâm thơm nức, khiến du khách nhớ tới thứ phở làm thủ công thái to khác hẳn thứ phở làm máy công nghiệp ngày nay.
Phở được xào cùng hành tỏi phi thơm, chút xì dầu cùng với nguyên liệu mà thực khách mang về. Thoạt nhìn đĩa phở xào ngấm màu vàng ươm của xì dầu, khi đưa vào miệng, bánh phở cháy cạnh thơm nức, mềm, ngậy nhưng không hề ngán hòa cùng vị thịt lợn bản, vị ngọt của giá đỗ khiến người ăn nhớ mãi.
Bình Liêu nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản. Nhưng có lẽ bạn nên thêm phở xào vào cẩm nang món ăn ngon cần thưởng thức mỗi khi tới Đồng Văn, bởi đây không chỉ là ẩm thực mà còn là sự khám phá cuộc sống dân dã và nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.
Hãy liên hệ binhlieu.travel hoặc nhóm zalo du lịch Bình Liêu https://zalo.me/g/hcwhfm384 để hỗ trợ trải nghiệm trên.

BINHLIEU.TRAVEL

Bình luận