Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, có thể nhiều người chưa biết rằng, đây là một trong những địa phương cuối cùng cùa Việt Nam ra khỏi chiến tranh (chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc năm 1979), lúc đó bối cảnh kinh tế – xã hội có rất nhiều biến động, việc di canh di cư của các dân tộc, nền kinh tế tự cung, tự cấp, cách biệt với phần còn lại của đất nước đã góp phần tạo nên một nền nông nghiệp tự cung tự cấp với những thửa ruộng bậc thang như ngày nay.
Hội Mùa Vàng Bình Liêu tổ chức từ năm 2020, đây không chỉ là một sự kiện văn hóa thuần túy, mà còn là một biểu tượng tinh thần của vùng đất miền núi phía Đông Bắc, nơi hội tụ bản sắc văn hóa dân tộc, kỹ thuật canh tác độc đáo, và ý chí sinh tồn mạnh mẽ của cộng đồng dân cư sống dựa vào đất đai, cây lúa và nguồn nước thiên nhiên. Lễ hội này mang trong mình những giá trị sâu sắc liên quan đến bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và ruộng bậc thang, bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay.
Mục lục nội dung
Việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và ruộng bậc thang là rất quan trọng
Không phải ngẫu nhiên mà luật đất đai Việt Nam quy định đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa là một trong những loại đất quan trọng, việc vi phạm trong sử dụng đất trồng lúa, chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trái phép phải chịu khung hình phạt rất nặng. Việc thực hiện quy định của luật đất đai liên quan đến đất nông nghiệp, đất trồng lúa càng trở nên nghiêm ngặt trong điều kiện đất lúa ít như Bình Liêu.
Ruộng bậc thang là một kỳ công của thiên nhiên và con người vùng núi cao qua nhiều thế hệ, đặc biệt là ở Bình Liêu. Không chỉ là phương thức canh tác phù hợp với địa hình, những thửa ruộng bậc thang còn biểu trưng cho sự gắn bó của người dân với đất đai, với nguồn nước và nắng mưa. Người dân đã tận dụng mọi khả năng của tự nhiên để tạo ra một hệ thống canh tác tối ưu nhất cho vùng đất đồi núi, vừa góp phần chống xói mòn, giữ đất, vừa tạo cảnh quan tuyệt đẹp mang tính biểu tượng.
Việc tổ chức Hội Mùa Vàng Bình Liêu là cách để nhấn mạnh tầm quan trọng của ruộng bậc thang trong nền kinh tế nông nghiệp và văn hóa vùng cao. Đây là dịp để vinh danh những người nông dân dũng cảm, vất vả, kiên trì với công việc khó khăn và phức tạp của nghề trồng lúa nước. Lễ hội cũng là cơ hội để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm bảo vệ và phát triển ruộng bậc thang, từ kỹ thuật canh tác bền vững đến các biện pháp bảo vệ đất và nguồn nước. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên khó dự đoán, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Hội Mùa vàng gắn kết cộng đồng, chung tay bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống
Hội Mùa Vàng không chỉ là dịp để cộng đồng các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ và các cộng đồng khác gặp gỡ, mà còn là không gian văn hóa sống động để truyền tải, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của họ. Đây là dịp để tái hiện các phong tục, nghi lễ cầu mùa, các trò chơi dân gian và những câu chuyện truyền đời về việc gắn bó với đất đai, mùa màng.
Bên cạnh các nghi lễ tạ ơn thần linh và cầu cho vụ mùa bội thu (lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới)… Các hoạt động hội còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như hát dân ca, múa truyền thống và diễn tả các trò chơi dân gian. Những nét văn hóa đặc thù này không chỉ là phần hồn của lễ hội mà còn là nguồn lực thúc đẩy tinh thần đoàn kết cộng đồng và gắn kết các thế hệ. Hội Mùa Vàng tổ chức qua các năm, vì vậy, không chỉ là bảo tồn văn hóa mà còn là nơi để nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước và nhận thức về giá trị truyền thống giữa thời đại toàn cầu hóa.
Lễ hội cũng là nơi kết nối cộng đồng qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, là dịp để giới trẻ hiểu hơn về bản sắc dân tộc, có thêm động lực giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ mai sau. Trong bối cảnh nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần phai nhạt, Hội Mùa Vàng Bình Liêu đóng vai trò như một điểm tựa tinh thần, nhắc nhở người dân về sức mạnh của bản sắc văn hóa.
Từ năm 2020, việc công nhận ruộng bậc thang Bình Liêu là di tích danh thắng của tỉnh Quảng Ninh không chỉ ghi nhận vẻ đẹp tự nhiên của khu vực mà còn là sự tôn vinh đối với giá trị văn hóa, lịch sử và lao động của người dân nơi đây. Đây là hình thức bảo vệ và phát huy tài sản văn hóa phi vật thể độc đáo, thể hiện sự quan tâm của địa phương đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống và khuyến khích người dân tiếp tục gìn giữ cảnh quan di sản, tạo động lực để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao nhận thức về việc bảo tồn di sản văn hóa. Khi ruộng bậc thang được bảo vệ như một di sản, nó sẽ góp phần hạn chế các hoạt động phá hủy, khai thác đất không bền vững, đồng thời giúp lan tỏa giá trị văn hóa bản địa. Hội Mùa Vàng vì thế không chỉ là một lễ hội mùa màng mà còn là cách để bảo tồn, phát triển và quảng bá di sản địa phương, tăng cường tinh thần tự hào của cộng đồng về vùng đất của mình.
Lời nhắc về việc đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh toàn cầu biến động
An ninh lương thực trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt khi những diễn biến phức tạp của thiên tai, xung đột khu vực, và sự khan hiếm tài nguyên ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, đặc biệt là mô hình canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang, là yếu tố cốt lõi để bảo đảm nguồn cung lương thực cho cộng đồng địa phương.
Hội Mùa Vàng Bình Liêu duy trì tổ chức hàng năm khẳng định vai trò của nông nghiệp địa phương trong việc tự cung cấp lương thực, đồng thời nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, phát triển nông nghiệp bền vững. Việc gìn giữ và phát triển ruộng bậc thang không chỉ là yếu tố đảm bảo cho sản xuất lúa gạo mà còn là một hệ sinh thái bền vững, giúp giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung lương thực bên ngoài. Đồng thời, Hội Mùa Vàng là cơ hội để giới thiệu các mô hình canh tác tiên tiến, phương pháp bảo tồn đất và nước, và cải thiện kỹ thuật nông nghiệp, nhằm tăng năng suất và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh nhiều khu vực nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, Bình Liêu với những thửa ruộng bậc thang trù phú là minh chứng cho sức mạnh của truyền thống canh tác địa phương trong việc đối phó với khó khăn.
Hội Mùa Vàng Bình Liêu không chỉ là sự kiện văn hóa truyền thống mà còn mang những thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết của việc giữ gìn và phát triển đất trồng lúa, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và bảo tồn văn hóa dân tộc. Lễ hội cũng là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc duy trì an ninh lương thực trong bối cảnh biến động toàn cầu. Những thửa ruộng bậc thang Bình Liêu không chỉ là nét đẹp thiên nhiên mà còn là minh chứng sống động cho sự gắn kết của con người với đất đai, thể hiện qua công sức, mồ hôi và tri thức truyền đời. Lễ hội là dịp để cả cộng đồng cùng hướng đến một tương lai bền vững, nơi mà nông nghiệp không chỉ là nguồn sống, mà còn là nền tảng của bản sắc văn hóa, sức mạnh tinh thần và niềm tự hào dân tộc trong bối cảnh phát triển mới./.
binhlieu.travel