Trải nghiệm cuộc sống ở bản người Dao Thanh phán Bình Liêu

4/5 - (1 bình chọn)

Người Dao Thanh Phán tin rằng sống ở vùng núi cao và mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu sẽ khiến thú dữ tránh đi.

Huyện miền núi Bình Liêu với đồi núi nhấp nhô, cách trung tâm TP Hạ Long, Quảng Ninh hơn 100 km. Đây là nơi thử thách du khách chinh phục các cung đường núi non, “sống lưng khủng long” và các cột mốc biên giới.

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp truyền thống của người Dao Thanh Phán” được nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (còn gọi Hai Le Cao), 37 tuổi, thực hiện trong chuyến khám phá Bình Liêu tháng 11/2021. Anh Hải cho biết để thuận tiện cung đường di chuyển, du khách có thể tham quan vịnh Hạ Long, đảo Quan Lạn hay Cô Tô, sau đó đến Bình Liêu.

Khung cảnh bản người Dao Thanh phán ở Bình Liêu

Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa… Trong đó, người Dao Thanh Phán sống chủ yếu ở 2 bản Sông Moóc A, Sông Moóc B, Phạt Chỉ, Khe Tiền.

Phụ nữ Dao Thanh Phán trong trang phục truyền thống, thường đội một hộp màu đỏ, quấn trên đầu một chiếc khăn in hoa văn và buộc dây ở cằm, thể hiện sự duyên dáng. Phụ nữ đã kết hôn thường phải cạo tóc, lông mày và răng bịt vàng.

Trang phục rực rỡ, cùng nụ cười thân thiện làm tôn thêm nét đẹp riêng có của người phụ nữ Dao Thanh Phán. Các họa tiết hoa trên khăn đội đầu, trên gấu áo, gấu quần dùng nhiều hình ảnh phản ánh đời sống văn hóa như chiếc bừa, hoa đậu đũa trên nương, hoa sâm hay ruộng bậc thang.

Những căn nhà trình của người Dao Thanh Phán, là ngôi nhà đất, mái ngói âm dương, có điểm chung là xây dựng nơi cao ráo, khuất gió, gần nương và nguồn nước để tiện cho việc sinh hoạt đời thường. Trưa hè nắng gắt nhưng khi du khách bước vào nhà sẽ cảm thấy mát rượi.

“Có lẽ nhiều người đến với Bình Liêu bởi những vẻ đẹp núi rừng, bạt ngàn hoa cỏ lau trên các cột mốc biên giới. Với tôi thì sự thu hút lại nằm ở chính những con người và nét văn hóa ấn tượng của các dân tộc thiểu số, như người Dao Thanh Phán bao đời gắn bó ở vùng đất này”, anh Hải nói.

Nghề thêu từ lâu gắn liền với cuộc sống người Dao Thanh Phán, từ già đến trẻ hầu như ai cũng biết thêu. Các cô gái Dao trước khi lấy chồng đã tự tay thêu áo cưới và còn làm các bộ trang phục để tặng cho mẹ chồng. Họ có quan niệm sống ở vùng núi cao nên khi mặc trên mình bộ áo rực rỡ sắc màu sẽ khiến thú dữ tránh đi.

Vào tháng 10 – 11, những thửa ruộng bậc thang chín vàng dọc theo cung đường biên giới ở Sông Moóc, xã Đồng Văn, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 30 km. Người dân ở đây cùng hỗ trợ, giúp nhau thu hoạch, đến ngày mùa là họ gặt từ ruộng nhà này đến ruộng nhà khác, có khi làm cả buổi trưa nắng gắt và đến khi tối muộn.

Bình Liêu yên bình. Do địa hình nhiều đồi núi dốc, nhiều khu vực đất nông nghiệp chỉ canh tác được một mùa lúa vào cuối năm và chính quyền địa phương tổ chức vụ mùa vàng như một sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với nơi đây ngày càng nhiều hơn. Sau rằm tháng Chạp, người Dao Thanh Phán tổ chức đón Tết sớm theo truyền thống, thầy cúng chọn ngày đẹp và sau đó gia đình ăn Tết tại nhà tổ, nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao.

Hãy liên hệ ngay với binhlieu.travel chúng tôi, nếu bạn cũng muốn có trải nghiệm tuyệt vời trên bản người Dao Thanh phán tại Bình Liêu.

BINHLIEU.TRAVEL

Bình luận