Hấp dẫn du lịch Bình Liêu dịp Tết đến xuân về

4/5 - (6 bình chọn)

Khám phá vùng đất Bình Liêu vào dịp Tết Nguyên Đán không chỉ là hành trình đơn thuần để thư giãn mà còn là cơ hội trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và khám phá những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tránh xa khói bụi thành phố, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức những giây phút an lành bên gia đình và người thân.

Bình Liêu ở đâu

Bình Liêu là một huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh, thời gian hình thành và kiến tạo địa chất mang lại cho nơi đây vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng. Nơi đây có tất cả những yếu tố để làm say đắm trái tim của những người yêu du lịch. Đến Bình Liêu vào dịp Tết đến xuân về, du khách không chỉ được trải nghiệm không khí tết truyền thống của Nhân dân các dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ bản địa mà còn được ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, tinh khôi của những dãy núi, đồi cỏ xanh mướt, những cánh hoa mùa xuân tô điểm trên rừng làm cho phong cảnh càng thêm sống động, rực rỡ.

Hành trình leo núi Bình Liêu đầy cảm hứng

Bình Liêu là điểm đến tuyệt vời cho những người yêu thích thách thức và muốn khám phá những hành trình leo núi đầy hứng khởi. Những dãy núi hùng vĩ như Cao Xiêm, Cao Ly, Cao Ba Lanh và Sống lưng khủng long tại Bình Liêu chính là những địa điểm lý tưởng để thỏa mãn đam mê phiêu lưu và khám phá.

Núi Cao Xiêm

Với độ cao lên tới hàng nghìn mét trên mực nước biển, là thách thức lớn đối với những người yêu thích hành trình leo núi. Hành trình bắt đầu từ chân núi, qua những con đường đất đỏ và rừng thông bạt ngàn. Điều đặc biệt là trên đỉnh núi, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng toàn cảnh tuyệt vời của Bình Liêu, với núi đồi, sông ngòi, bản làng hình thành một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.

Sống lưng Khủng long 1305 – Núi Pắc Cương

: Nếu Cao Xiêm là một thách thức, thì leo lên Sống lưng Khủng long mốc 1305 – Núi Pắc Cương là một cuộc phiêu lưu thực sự đầy hứng thú. Với những đỉnh núi cao và đường bậc thang lên dốc khó khăn, hành trình leo núi tại đây đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức mạnh vượt qua. Tuy nhiên, những khó khăn này được đền đáp bằng cảm giác thăng trầm của cuộc hành trình và khám phá những khoảnh khắc kỳ diệu từ đỉnh núi.

Bản Sông Mooc và núi Cao Ba Lanh

: Hành trình leo núi tại Bình Liêu không chỉ mang đến những thách thức về vật lý mà còn là cơ hội để du khách tiếp cận với nét đẹp bí ẩn của vùng đất này. Bản Sông Mooc, với những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà truyền thống xen lẫn hiện đại dưới chân núi Cao Ba Lanh tạo nên một khung cảnh huyền bí, làm say đắm lòng người bước chân vào. Dưới góc nhìn từ đỉnh núi Cao Ba Lanh, bản Sông Mooc trở nên nhỏ bé và đáng yêu, là điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi và thưởng thức cảm giác bình yên.
Trên đỉnh núi Cao Ba Lanh, du khách sẽ trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những hồ nước đến truyền thuyết “bãi đá thần”, từ việc thắp hương tưởng nhớ công ơn các liệt sĩ tại đài tưởng niệm trên đỉnh núi đến việc cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến tại đền thiêng Cao Ba Lanh mùa xuân mới.
Và một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi leo núi ở Bình Liêu chính là việc ngắm hoàng hôn từ đỉnh núi. Ánh nắng vàng óng ả của bình minh hoặc hoàng hôn tạo nên bức tranh sống động và ấn tượng, làm cho mọi khó khăn trong hành trình trở nên quên lãng. Đây không chỉ là một trải nghiệm thú vị mà còn là nguồn động viên tinh thần cho những người phiêu lưu.

Ẩm thực Bình Liêu giữ chân du khách

Du lịch không chỉ là việc khám phá cảnh đẹp mà còn là dịp để thưởng thức ẩm thực độc đáo của vùng đất mới. Bình Liêu nổi tiếng với các món ăn truyền thống ngon miệng, đậm đà hương vị núi rừng như các món bánh trưng, bánh coóc mò, gà bản, ngan đen, khau nhục… Hãy thử ngay các món ăn lạ miệng từ đặc sản núi rừng, đặc biệt là các món ăn chỉ ngày lễ, tết mới có để trải nghiệm hương vị đặc trưng của vùng đất Bình Liêu.

Ngày Tết Bình Liêu

Trong những ngày Tết, Bình Liêu là nơi tổ chức những nghi lễ của các dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ trên địa bàn. Các hoạt động văn hóa truyền thống sẽ làm cho chuyến đi của bạn trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bạn sẽ được tham gia vào không khí tưng bừng, tràn đầy niềm vui và sự ấm áp của đồng bào nơi đây.
Du khách đến Bình Liêu trong dịp Tết sẽ được trải nghiệm cuộc sống bản địa thân thiện và nồng ấm. Người dân nơi đây luôn mở cửa đón chào du khách bằng nụ cười tươi tắn, làm cho hành trình của bạn trở nên ấn tượng và ấm cúng.

Tết của người Dao

: Người Dao ở Bình Liêu sẽ đón tết từ rất sớm, ngay từ giữa tháng Chạp, nhà nhà, người người đã rộn ràng đón xuân, đón Tết. Tết sớm của người Dao nơi đây bình dị, mộc mạc mà đầm ấm, chân tình. Theo quan niệm của bà con dân tộc Dao, quan trọng nhất và mở màn cho phong tục đón Tết sớm bắt đầu từ nhà trưởng họ (nhà tổ) rồi mới về từng nhà riêng tổ chức sum vầy. Từ rằm tháng Chạp trở đi, tùy theo dòng họ sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày đẹp để tổ chức ăn Tết tại nhà tổ – nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao. Xong Tết sớm tại nhà tổ, thầy cúng được từng gia đình mời riêng về nhà, đại diện cho gia chủ báo cáo những việc đã làm trong năm qua, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho các thành viên trong dòng họ và cầu cho năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau khi làm lễ xong, chủ nhà đem vàng tiền hoá cho tổ tiên, lễ vật được mang xuống bày ra mâm cho con cháu cùng hưởng lộc. Và cứ luân phiên theo gia đình như vậy, tết ở cộng đồng người Dao sẽ kéo dài từ rằm tháng Chạp năm trước đến hết rằm tháng Giêng năm sau.

Tết của người Sán chỉ

: Tết của người Sán Chỉ Bình Liêu kéo dài từ 25 tháng chạp cho đến hết rằm tháng Giêng. Đây là thời điểm nông nhàn nhất trong năm, khi công việc ruộng nương đã xong xuôi, người Sán Chỉ quanh năm cần cù cho phép mình nghỉ ngơi để tham gia vào những ngày hội.
Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người dậy sớm nấu cơm, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Sau khi hoàn thành nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên và cầu phúc, gia đình quây quần bên mâm cơm Tết, vừa ăn uống, vừa chúc tụng nhau một năm mới đủ đầy, ấm no.
Người Sán Chỉ kiêng ăn thịt, quét nhà, đi nương rẫy vào mùng 1 Tết. Các gia đình chọn ăn Tết mùng 1 bên nhà nội, mùng 2 nhà ngoại, mùng 3 làm lễ khai Xuân đốt cành tre con cá được cắm từ mấy hôm trước và gõ kẻng, gõ trống để xua đuổi những điều không may, bệnh tật ra khỏi nhà. Họ khai Xuân bằng tục lệ mời tất cả các nhà trong xóm tập trung giúp một nhà trồng ngô vào buổi sáng. Buổi chiều, chủ nhà mời tất cả mọi người bữa ăn đầu năm, múa hát đến khi mặt trời lặn.
Trong tháng Giêng, người Sán Chỉ còn tổ chức nghi lễ cúng cầu may. Địa điểm chọn là một nơi có gốc cây to, xung quanh bằng phẳng. Mỗi gia đình trong bản có trách nhiệm góp lễ vật để tổ chức. Lễ vật của mỗi gia đình không quy định cụ thể, đó có thể là miếng thịt, đĩa cá, con gà, xôi, rượu, cùng với giấy vàng, hương. Từ mùng 3 Tết đồng bào Sán Chỉ cùng nhau tổ chức hội Xuân. Ngày Tết, bà con tập trung chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn. Đặc biệt, người Sán Chỉ thích hát giao duyên vào những ngày Xuân. Các bản hát đối với nhau, hát nhóm nam nữ, nội dung của các bài hát để chúc Tết hoặc ngợi ca tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước, tình yêu lao động. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi đi hát như thế này.
Bình Liêu không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống mà còn là điểm hội tụ của sự hòa mình giữa quá khứ và hiện đại. Trong những ngày đầu năm mới, ngoài các hoạt động truyền thống, bạn có thể tham gia các sự kiện giải trí cũng làm cho chuyến đi của bạn trở nên đầy đủ và đa dạng.
Bình Liêu, với những vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, cuộc sống bản địa thân thiện và những truyền thống văn hóa độc đáo, hứa hẹn mang đến cho du khách một chuyến đi đáng nhớ ngày Tết. Hãy để mình chìm đắm trong không gian yên bình, hòa mình vào lễ hội và thưởng thức ẩm thực độc đáo. Bình Liêu chắc chắn sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự tinh tế và trải nghiệm độc đáo trong kỳ nghỉ lễ của mình.
Nếu bạn cần hỗ trợ một chương trình du lịch Tết ở Bình Liêu hãy liên hệ binhlieu.travel hoặc nhóm zalo Hỗ trợ du lịch Bình Liêu https://zalo.me/g/hcwhfm384 nhé.

BINHLIEU.TRAVEL

Bình luận