Cao Ba Lanh là tên một dãy núi tạo nên bức tranh hùng vĩ, lôi cuốn du khách bằng vẻ đẹp độc đáo và hoang sơ. Nơi đây không chỉ thu hút những người đam mê leo núi mà còn là điểm đến tuyệt vời cho những người muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tinh khôi, và đặc biệt, nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của đất nước.
Mục lục nội dung
Từ truyền thuyết về “đá thần”
Tại đỉnh Cao Ba Lanh, bạn sẽ bị cuốn hút bởi cảm giác hòa mình giữa những đỉnh núi mây trắng bồng bềnh. Mỗi bước đi trên đỉnh núi là một trải nghiệm đầy thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi xanh bát ngát và thung lũng sâu thẳm khu vực biên giới. Đứng trên đỉnh Cao Ba Lanh, con người có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử của miền biên giới này, càng cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa linh thiêng của chủ quyền biên giới lãnh thổ của tổ quốc.
Đỉnh núi Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu có độ cao 1.113 mét so với mực nước biển. từ các triều đại phong kiến Việt Nam- Trung Quốc, núi Cao Ba Lanh đã có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, từ xa xưa Nhân dân các dân tộc nơi đây đã lưu truyền về truyền thuyết về “đá thần”, truyện kể rằng trên đỉnh núi Cao Ba Lanh giáp biên giới có những hòn đá rất lạ, gõ vào đá phát ra tiếng kêu gần giống tiếng chuông, và lại nghe tiếng vang ở cả các hòn khác, những “hòn đá thần” có tiếng vang làm quân xâm lăng gục ngã, Nhân dân các dân tộc dựa vào những hòn “đá thần” đó để bảo vệ cuộc sống bình yên nơi biên thùy. Hiện nay, “đá thần” vẫn còn đó, nơi có những phiến “đá thần” trên núi Cao Ba Lanh vừa huyền bí vừa gợi vẻ thiêng liêng, trên núi cao mây bay la đà nhìn bao quát cả một vùng biên ải với con sông biên giới uốn lượn giữa đôi bờ thanh bình, cũng là một cảnh quan đặc sắc.
Đến chiến công giữ nước
Cách đây 40 năm vào năm 1979, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc mà ở Quảng Ninh, cùng với đỉnh Pò Hèn (xã Hải Sơn, Móng Cái) thì tuyến biên giới Bình Liêu là chiến trường ác liệt, trong đó phải kể đến những đỉnh cao thuộc xã Hoành Mô, đặc biệt là đỉnh núi Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn.
Lịch sử ghi nhận, từ đêm 16/02/1979, địch bắt đầu tràn sang biên giới, tổ chức tấn công đánh chiếm cao điểm 585 tại bản Phai Làu (là chân núi Cao Ba Lanh), nhưng đã bị lực lượng bộ đội trinh sát Đoàn 288 của ta đánh trả quyết liệt, ngăn chặn tại đồi không tên.
Ngày 17/02/1979 địch đồng loạt tấn công ta dọc tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc. Tại Bình Liêu, địch dùng lực lượng bộ binh ồ ạt tấn công, đánh chiếm cao điểm Cao Ba Lanh và các cao điểm khác. Lực lượng ta tại Cao Ba Lanh có 01 tiểu đội trinh sát, 10 đồng chí của Trung đoàn 288 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 130 bộ đội địa phương cùng Tiểu đoàn tự vệ lâm trường đã chống trả quyết liệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch.
Đến ngày 18/02/1979, địch phải rút chạy, xin tiếp viện và củng cố lực lượng. Sau đó, lại tiếp tục dùng chiến thuật biển người tấn công sang ta. Trước sự tấn công ồ ạt của địch, quân và dân ta kiên quyết, chấp nhận gian khổ, hy sinh xương máu giữ điểm cao Cao Ba Lanh. Sau 10 ngày đêm liên tục chiến đấu, ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, làm bị thương nhiều tên khác và buộc địch phải rút chạy. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và những năm sau đó, đỉnh núi Cao Ba Lanh là vị trí trọng yếu, được quân và dân biên giới xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu kiên cường chiến đấu hy sinh, bảo vệ nghiêm ngặt, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.
Và đỉnh Cao Ba Lanh bây giờ
Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh tại đỉnh Cao Ba Lanh
Sau chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 đến nay, nhiều cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị đã chiến đấu bảo vệ biên cương trên đỉnh núi Cao Ba Lanh và Nhân dân, du khách thường xuyên đến đây.
Vào năm 2020 Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh tại đỉnh Cao Ba Lanh được xây dựng với các hạng mục: Đài tưởng niệm, 2 nhà bia ghi công, sân, tuyến kè bao quanh, cây xanh. Toàn bộ kinh phí đầu tư do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện Bình Liêu đóng góp. Đây là công trình không chỉ để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, mà còn là địa chỉ để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, để các thế hệ sau luôn nhớ đến nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới song song với hợp tác hữu nghị, phát triển kinh tế, đối ngoại, du lịch, nhất là tại địa bàn biên giới như huyện Bình Liêu.
Đền thiêng Cao Ba Lanh
Cạnh Đài tưởng niệm liệt sĩ là đền thiêng Cao Ba Lanh do người dân địa phương xây dựng nên như một biểu tượng của sự tôn kính và sự linh thiêng, là nơi gắn kết con người với tâm linh và văn hóa. Đến với đền thiêng, bạn không chỉ bước chân vào một không gian tâm linh mà còn trải nghiệm sự trang nghiêm và thanh tịnh với kiến trúc tinh tế mang dấu ấn của văn hóa địa phương, là địa điểm giữ gìn và truyền đạt những giá trị tinh thần quan trọng, đồng thời là biểu tượng vững chắc trong lòng người.
Trở lại những phiến “đá thần”
Những phiến “đá thần” như đã đề cập ở đầu bài giới thiệu, đây không chỉ là một những điều kỳ diệu của thiên nhiên, mà còn là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần “thép” của quân và dân biên giới qua các thế hện, là biểu tượng của sự bền vững và lòng kiên cường. Những phiến “đá thần” lạc quan nằm giữa cảnh đẹp tự nhiên ở độ cao khoảng 1000m so với mực nước biển, bên cạnh hồ nước như những bảo tàng ngoại trời kể chuyện về quá khứ và tương lai.
Những hồ nước kỳ lạ trên đỉnh núi
Không phải là đầu nguồn sông, suối và trên đỉnh núi, nhưng ở Cao Ba Lanh có những hồ nước mở ra như viên ngọc xanh bí ẩn, làm cho không gian trở nên huyền bí và quyến rũ. Bạn có thể cảm nhận hương vị của tinh khôi khi đứng bên bờ hồ, ngắm nhìn dãy núi phủ lên mình một chiếc áo phong cách màu xanh mơ mộng. Nước trong hồ như một gương lớn, phản chiếu bầu trời và những đỉnh núi xung quanh, tạo nên bức tranh sống động và hùng vĩ. Hồ nước trên núi cao không chỉ là một biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên, mà còn là nguồn sống bền vững và giữ gìn sức sống. Tuy nhiên, khi bạn đến đây vào ngày không đẹp trời (đỉnh núi thường xuyên có mây mù bao phủ) thì bạn sẽ chỉ thấy có mây mù chứ không thấy có hồ nước nào cả.
Còn nhiều điều mà một bài viết không kể được hết. Nhưng làm thế nào để đến Cao Ba Lanh? Hãy liên hệ binhlieu.travel hoặc qua nhóm zalo https://zalo.me/g/hcwhfm384 chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn.
BINHLIEU.TRAVEL