Description
Theo tiếng Tày, coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá bông chit rừng. Bánh cooc mò được làm từ loại nếp ngon nhất mà bà con vùng núi cao trồng trên nương, trên ruộng bậc thang nên hương vị của bánh rất ngon, thơm, vị ngọt, dẻo, có thể ăn nhiều mà không thấy ngán.
Bánh Cooc mò có 2 loại bánh, một loại có nhân và một loại không có nhân. Bình thường bánh có nhân sẽ được mọi người gói phổ biến hơn bánh không có nhân (bánh không có nhân sẽ được gói vào những dịp đặc biệt như ngày lễ, ngày tết, vì bánh không có nhân sẽ để được lâu hơn, không sợ hỏng mà vẫn giữ được sự thơm ngon của bánh.
Muốn làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nơi người làm bánh. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần,sau đó tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Gấp lá chit thành miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Công đoạn buộc lạt thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của chiếc bánh. Nếu buộc lạt lỏng quá thì khi nấu bánh sẽ bị vào nước, nhão, không ngon. Nếu buộc lạt chặt quá, hạt nếp sẽ không nở, bánh bị sần, không dẻo và không thơm.
Bánh cooc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng hai giờ là bánh chín. Bánh cooc mò có màu xanh nhạt của lá, vị dẻo, thơm thanh khiết hương thơm của ruộng đồng vùng núi cao. Vị bánh càng nhai càng cảm nhận được sự thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Người ưa ngọt có thể ăn bánh cooc mò kèm mật ong Bình Liêu.
Người Tày Bình Liêu làm bánh cooc mò quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Trong những dịp đặc biệt là ngày lễ, tết. Nếu bạn muốn thưởng thức bánh coóc mò, hãy đặt hàng trước binhlieu.travel sẽ chuyển bánh cho bạn.
BINHLIEU.TRAVEL